Video nổi bật


Vicem Tam Điệp vững vàng trước khó khăn

Năm 2012 là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với ngành xi măng trong nước khi lượng hàng tồn kho từ năm 2011 còn nhiều, lượng hàng sản xuất mới thiếu thị trường, thì Vicem Tam Điệp - một DN tuy không thuộc hàng “ông lớn” của ngành xi măng Việt Nam lại đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh rất đỗi khả quan nhờ sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, đưa ra những quyết sách chiến lược...

0151.jpg

Năm bắt thời cơ:

Khó khăn của nền kinh tế trong nước cộng với cuộc khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu những năm 2010 - 2011 khiến thị trường tiêu thụ xi măng nước ta gặp rất nhiều khó khăn: Tiêu thụ trì trệ, hàng làm ra khó xuất xưởng. Bằng nhiều cố gắng, Vicem Tam Điệp vẫn bị vòng tròn suy thoái ấy tác động, lượng xi măng bán ra èo uột đến nỗi khi nhìn vào những con số báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh hàng tháng mà ông Nguyễn Sỹ Ngọc - Tổng Giám đốc Cty Xi măng Vicem Tam Điệp không khỏi nén những tiếng thở dài trăn trở.

“Không bán được xi măng, Cty buộc phải bán clinker (không khác gì những người nông dân phải bán lúa non trên đồng) để có dòng vốn duy trì hoạt động sản xuất. Vì vậy, chỉ qua 6 tháng đầu năm 2011, Cty bị lỗ tới 93 tỷ đồng. Kết quả cả năm 2011, chúng tôi chỉ tiêu thụ được 900 nghìn tấn sản phẩm tất cả. Trong đó, riêng bán clinker là 600 nghìn tấn, chiếm gần 70%, chịu lỗ 124 tỷ đồng. Chúng tôi phải nhận hỗ trợ từ Bộ Tài chính khoản tiền 70 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng nước ngoài”, ông Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, bước sang năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicem Tam Điệp đạt bước tăng trưởng nhảy vọt. Qua 6 tháng đầu năm, Cty đã tiêu thụ được 815 nghìn tấn sản phẩm, trong đó riêng xi măng là 585 nghìn tấn, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2011. Tiêu thụ clinker giảm hẳn, chỉ còn 230 nghìn tấn. Đến cuối tháng 6/2012, Vicem Tam Điệp đã cân đối thu chi, trả 250 tỷ đồng tiền nợ các loại. Trong đó, riêng trả nợ nước ngoài là 185 tỷ đồng. Khoản nợ 70 tỷ đồng mà Cty vay từ Bộ Tài chính trong năm 2011 cũng đã trả dần được 18 tỷ đồng. Khoản lỗ 124 tỷ đồng của năm 2011 đã được rút xuống còn 24 tỷ đồng khi năm 2012 mới đi được nửa thời gian…

Với Vicem Tam Điệp, sự thành công trong hoạt động sản xuất ở nửa đầu năm 2012 không những đến từ những nhận định đúng đắn về diễn biến thị trường mà còn nhờ những “phá cách” đúng, trúng, và chính xác trong định hướng, chủ trương hoạt động, cách tiếp cận thị trường của lãnh đạo Cty. Tổng Giám đốc Ngọc nói rằng: “Mình làm xi măng thì không thể cứ bán clinker để sống. Dù khó khăn như thế nào, cũng phải tìm cho ra giải pháp để bán được xi măng, để lấy dòng tiền quay vòng sản xuất và lo cho đời sống CBCNV Cty”.

Trong tháng 6 đầu năm 2012, Vicem Tam Điệp đã thu về 270 tỷ đồng từ việc bán xi măng, một thành quả rất đỗi đáng mừng đối với DN khi mà chỉ mới năm trước còn phải nhờ đến Bộ Tài chính hỗ trợ khoản nợ nước ngoài 70 tỷ đồng. Lý giải cơ sở của thành công bước đầu ấy, Tổng Giám đốc Ngọc nói rất ngắn gọn: “Ở thời kỳ mà người bán nhiều hơn người mua, thì đối với lĩnh vực nào cũng vậy chứ không riêng gì ngành xi măng, mình phải biết nắm bắt thời cơ. Thời cơ đến và đi rất nhanh, mình không quyết đoán nhanh chóng thì sẽ đánh mất cơ hội. Mà cơ hội thì ít khi lặp lại”.

Tạo cơ hội cho mình, Vicem Tam Điệp chủ động tạo ra cơ hội trước cho chính những nhà phân phối, trạm trộn của mình, để những “cánh tay phải” của Cty luôn luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ với Cty trong mọi hoàn cảnh và xây dựng mối quan hệ các bên đều có lợi. “Khi Cty có nhu cầu tuyển dụng nhân sự, sẽ ưu tiên cho người thân, con em các nhà phân phối trước tiên. Hoặc với những loại nguyên liệu đầu vào nào mà các nhà phân phối của mình có điều kiện và năng lực cung cấp, mình cũng ưu tiên cho họ cung cấp trước” - một trong những cách làm đã tỏ rõ hiệu quả đối với Vicem Tam Điệp.

“Bù hết lỗ năm 2011 và có lãi 3,5 tỷ đồng”

“Mục tiêu quan trọng nhất mà Ban Tổng giám đốc Vicem Tam Điệp đặt ra cho năm 2012 là lấp đầy khoản lỗ 124 tỷ đồng của năm 2011 và có lãi 3,5 tỷ đồng”, Tổng giám đốc Ngọc tin tưởng nói. Cụ thể hóa cho mục tiêu này, Vicem Tam Điệp chủ trương hạn chế bán clinker đồng thời tăng cường bán xi măng ra thị trường, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng của xi măng đạt 40% so với năm 2011. Ban Tổng giám đốc Vicem Tam Điệp xác định, chỉ có con đường duy nhất là bán được xi măng, giảm bán clinker thì Cty mới tồn tại và kinh doanh có lãi để duy trì hoạt động sản xuất. Hiện nay, xi măng Tam Điệp được sử dụng nhiều ở các công trình trọng điểm Quốc gia như: Công trình đường Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhà ga T2 sân bay Nội Bài, công trình tòa nhà Quốc hội, đường Vành đai 3 giai đoạn 2 ở Hà Nội…

Xi măng Vicem Tam Điệp đóng bao Jumbo xuất khẩu

Xi măng Vicem Tam Điệp đóng bao Jumbo xuất khẩu

Bên cạnh quan tâm thị trường tiêu thụ trong nước (các thị trường chính là Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh…), bước sang năm 2012, Vicem Tam Điệp đồng thời chú trọng xuất khẩu sản phẩm xi măng ra nước ngoài. Qua 6 tháng đầu năm, Cty đã xuất khẩu được 80 nghìn tấn xi măng rời sang thị trường châu Âu và châu Á. Tổng Giám đốc Ngọc cho biết: “Tiềm năng xuất khẩu xi măng của Vicem Tam Điệp là khá lớn. Song, hiện nay Cty gặp phải một số bất lợi do vận chuyển nội địa tốn kém. Giờ muốn xuất khẩu thì chúng tôi phải dùng ô tô đưa hàng ra cảng Ninh Phúc, bốc xuống sà lan sau đó lại đi đến Quảng Ninh rồi mới đưa lên tàu để xuất ra nước ngoài. Tổng chi phí vận chuyển nội địa chiếm 140 nghìn/900 nghìn đồng giá trị mỗi tấn xi măng rời”.

Nói về chặng đường còn lại của năm 2012, Tổng Giám đốc Ngọc tỏ ra tin tưởng vào khả năng hoàn thành mục tiêu mà Ban Tổng giám đốc Cty đã đặt ra: Lấp đầy khoản nợ 124 tỷ của năm trước để lại và “dương” 3,5 tỷ đồng đồng thời hướng đến cộng đồng dân cư, người nghèo, các hoạt động xã hội… như những hoạt động tặng quà tình nghĩa cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cho người già cả neo đơn, người có công với cách mạng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà Cty đã tổ chức vào quý II/2012 vừa qua.

Vicem Tam Điệp có công suất 1,4 triệu tấn clinker/năm, được trang bị hệ thống thiết bị công nghệ đồng bộ, hiện đại từ Đan Mạch, có khả năng điều khiển và kiểm soát quá trình hoạt động và có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Cty rất chú trọng nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm nâng cao chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, việc nghiên cứu thành công dòng sản phẩm mới là xi măng chịu mặn để đưa vào các công trình xây dựng ở vùng đòi hỏi điều kiện chống chịu mặn là thế mạnh chuyên biệt của Cty.

Trần Đình Hà - Báo xây dựng

Số lượt xem bài viết: 3078

Đăng ngày: 22/06/2014 2:42:21 SA

Các bài viết liên quan

VICEM – FLSmidth thay đổi công nghệ xi măng thế giới: Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên

Ngày 9/2 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội), dưới sự chứng kiến của đại diện Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cùng truyền thông trong nước và quốc tế, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành Xi măng "Zero emission – natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).

Đăng ngày: 13/02/2020 12:00:00 SA

Lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018

Sáng ngày 09/5/2018, tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 tỉnh Ninh Bình. Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”

Đăng ngày: 14/05/2018 12:00:00 SA