Phần I: XI MĂNG

Câu 1:

Hỏi: Xi măng là gì ? Tại sao lại gọi là xi măng Poóc lăng ?

Trả lời:

Xi măng (từ tiếng Pháp: Ciment) là một loại chất kết dính thủy lực, được dùng làm vật liệu xây dựng. Xi măng được tạo thành bằng cách nghiền mịn clinker, thạch cao và phụ gia (puzolan, đá bazan, tro xỷ,… ). Khi tiếp xúc với nước thì tạo thành dạng hồ dẻo gọi là hồ xi măng và xảy ra các phản ứng thủy hóa. Tiếp đó, do sự hình thành của các sản phẩm thủy hóa, hồ xi măng bắt đầu quá trình đóng rắn sau đó là quá trình hóa cứng để cuối cùng nhận được một dạng vật liệu rắn như đá, có cường độ và độ ổn định nhất định.

Vì tính chất kết dính khi tác dụng với nước, xi măng được xếp vào loại chất kết dính thủy lực – xi măng Portland cứng lại dưới tác động của nước do quá trình hydrat hóa khoáng vật, ở đây các phản ứng hóa học diễn ra không phụ thuộc vào lượng nước trong hỗn hợp nước-xi măng; loại xi măng này có thể giữ được độ cứng khi đặt chìm trong nước hoặc thường xuyên tiếp xúc với nước. Phản ứng hóa học xảy ra khi các xi măng khan được trộn với nước và sinh ra các hydrat không tan trong nước. Trong khi đó các xi măng không thủy lực như vữa thạch cao buộc phải để khô mới giữ được độ bền vật lý.

Xi măng poóc lăng: Trong Lịch sử phát triển Xi măng thế giới, năm 1824, một người Anh là Joseph Aspdin, đã nhận được bằng sáng chế về xi măng thủy lực, được chế tạo bằng cách phối trộn đá vôi + đất sét theo một tỷ lệ thích hợp, nghiền mịn và nung ở nhiệt độ 9000C đến 11000C rồi đem nghiền với một lượng thạch cao; sản phẩm này trộn với nước thành dạng hồ dẻo, sau một thời gian vữa này đông cứng lại như đá, có màu giống với đá được khai thác trên đảo Portland ngoài khơi bờ biển Anh. Người ta lấy cảm hứng và đặt tên nó là xi măng Poóc lăng.

Câu 2:

Hỏi: Clanhke xi măng poóc lăng là gì ?

Trả lời:

Clanhke (Clinker)  xi măng poóc lăng là thành phần quan trọng nhất; chất lượng của clinker sẽ quyết định tính chất của xi măng;

Clanhke là sản phẩm thu được sau khi nung hỗn hợp nguyên liệu theo các tỷ lệ phù hợp gồm: Đá vôi, đất sét và một số phụ gia khác như quặng sắt, đá phiến silic với 4 oxide chính (CaO, SiO2, Al2O3, Fe2O3). Các ôxit có trong phối liệu khi nung đến 1450°C sẽ phản ứng với nhau tạo thành 4 khoáng chính trong clinker là: C3S (3CaO.SiO2); C2S(2CaO.SiO2); C3A (3CaO.Al2O3); C4AF (4CaO.Al2O3.Fe2O3) và hàng loạt các khoáng khác.

Thành phần hóa học tổng quát của clinker như sau:

  • CaO = 62 – 68 %
  • SiO2= 21 – 24 %
  • Al2O3= 4 – 8 %
  • Fe2O3= 2 – 5%

Ngoài ra còn có một số các oxit khác ở hàm lượng nhỏ: MgO, Na2O, K2O. Hàm lượng MgO  ≤ 5%; tổng hàm lượng kiềm không vượt quá 2%.

Bốn thành phần chính của clinker là:

  • Alit: C3S (3CaO.SiO2), chiếm khoảng: 40-60%
  • Belit: C2S(2CaO.SiO2), chiếm khoảng: 15-35%
  • Aluminat: C3A (3CaO.Al2O3) ,chiếm khoảng: 4-14%.
  • Ferrite: C4AF (4CaO.Al2O3.Fe2O3), chiếm khoảng: 10-18%.

Các chất khác có thể có với một lượng nhỏ: (K.Na)2SO4, chiếm khoảng: 0 – 1% ; 4CaO.Al2O3.Mn2O3 , chiếm khoảng: 0 – 3%

Câu 3:

Hỏi: Các loại xi măng thông dụng trên thị trường ?

Trả lời:

Theo TCVN 5439:2004 về “Xi măng – Phân loại”  do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, Xi măng được phân loại theo 4 cơ sở sau:

  1. Theo loại và thành phần Clanhke (Clinker): Gồm loại không có phụ gia khoáng: Xi măng poóc lăng (PC), xi măng poóc lăng bền sunphát (PCSR ), xi măng poóc lăng trắng (PCW), xi măng giếng khoan dầu khí (PCOW).. và loại có phụ gia khoáng: Xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB), xi măng poóc lăng hỗn hợp bền sunphát (PCBSR ), xi măng xây trát (PCBM ), xi măng poóc lăng puzolan (PCBPZ),…

Ngoài ra còn một chủng loại đặc biệt khác như: Xi măng alumin, xi măng dự ứng lực, xi măng chịu axit, xi măng cản xạ…

  1. Theo mác xi măng, gồm các loại: Xi măng mác cao từ 50 MPa trở lên; mác trung bình từ 30 MPa đến nhỏ hơn 50 Mpa; mác thấp nhỏ hơn 30 MPa.
  2. Theo tốc độ đóng rắn, gồm các loại: Xi măng đóng rắn chậm, bình thường, nhanh và rất nhanh.
  3. Theo thời gian đông kết, gồm có các loại: Xi măng đông kết chậm, bình thường và nhanh (tính theo thời gian bắt đầu đông kết)

Xi măng thông dụng trên thị trường hiện nay là các loại xi măng dùng trong xây dựng nhà cửa, cầu cống, vật kiến trúc… như: Xi măng poóc lăng (PC), xi măng poóc lăng hỗn hợp (PCB) bao gồm cả xi măng xây trát, xi măng bền sunphat.

Câu 4:

Hỏi: Các chủng loại xi măng hiện có của Vicem Tam Điệp ?

Trả lời:

Với 20 năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu cung cấp cho quý khách hàng những sản phẩm xi măng có chất lượng cao với giá thành tốt nhất. Mong muốn của chúng tôi là những công trình bền vững dài lâu theo thời gian, là sự an tâm hài lòng của quý khách. Các chủng loại xi măng hiện có của Vicem Tam Điệp gồm:

 – Xi măng PCB30: Là loại xi măng Poóc lăng hỗn hợp (PCB) rất phổ biến ở thị trường phía Bắc, thích hợp cho xây dựng dân dụng từ móng-cột-sàn-mái nhà đến các công trình hoàn thiện khác, cho các công trình hạ tầng và công nghiệp.

 – Xi măng PCB40: Là loại xi măng Poóc lăng hỗn hợp chất lượng cao hơn, rất được ưa chuộng tại thị trường miền Trung và miền Nam Việt Nam. Là loại xi măng có chất lượng cường độ chịu nén cao, giữ được tính chất lý hóa nhất quán, phù hợp với mọi công trình xây dựng dân dụng, phù hợp với các công trình hạ tầng và công nghiệp. Ngoài ra, loại xi măng này còn có thể được sử dụng cho các công trình xây dựng yêu cầu bê tông cường độ cao và sớm phát triển cường độ. Một số ví dụ điển hình trong việc sử dụng xi măng Vicem Tam Điệp PCB40 bao như: Nhà cao tầng, cầu, đường, cảng biển, sân bay.

– Xi măng PC40: Là loại xi măng Poóc lăng có cường độ rất cao, chất lượng ổn định, tính công tác rất tốt; tương thích với hầu hết các loại phụ gia hóa học trên thị trường; hàm lượng kiềm thấp giúp ngăn chặn phản ứng kiềm – silic gây phá hoại bê tông, cải thiện độ bền lâu dài cho kết cấu bê tông. Được sử dụng cho các công trình có yêu cầu cao và khắt khe về kỹ thuật chất lượng như: Các công trình thủy điện, cầu, đường, cảng biển, sân bay.

– Xi măng poóc lăng type I – C150/150M-15: Là xi măng poóc lăng có chất lượng cao tương đương xi măng PC40 nhưng có hàm lượng kiềm thấp, được sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ ASTM C150/150M-15 dùng để xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và một số nước khác.

 – Xi măng poóc lăng bền sulfat type II – C150/150M-15: Là xi măng poóc lăng đặc biệt được thiết kế để cải thiện các tính chất của bê tông, chống lại sự xâm thực và ăn mòn, phá hủy của sulfat từ môi trường. Xi măng Poóc lăng bền sunlfat type II được sử dụng cho các công trình đê ngập mặn; các đê, đập thủy lợi ở vùng đất và nước có phèn chua; đê, đập thủy lợi có mực nước dao động lên xuống thất thường; các công trình biển, các công trình ngầm có sulfate; trong môi trường công nghiệp, xây dựng các nhà máy thải ra các a xít ảnh hưởng trực tiếp đến sàn bê tông, bể chứa và các đường ống thải.

Xi măng xây trát C91: Được sản xuất theo tiêu chuẩn của Mỹ (ASTM C91-12) là dòng sản phẩm chuyên dụng phục vụ xây trát và hoàn thiện công trình với những tính năng vượt trội như: Độ dẻo cao, quá trình thuỷ hoá hợp lý, chống thấm tốt, bền vững với những biến động của môi trường, hiệu quả kinh tế cao do đó đáp ứng được mọi công trình xây dựng dân dụng như: Nhà ở, nhà cao tầng, các khu đô thị…

Các loại xi măng trên có các tên thương mại Smart cement, xi măng đa dụng, xi măng Vicem cao cấp… trên website của Công ty: https://vicemtamdiep.com.vn/

Câu 5:

Hỏi: Đề nghị cho biết các ưu điểm của xi măng Tam Điệp ?

Trả lời:

Xi măng Vicem Tam Điệp có các ưu điểm sau:

  1. Chất lượng cao và ổn định.
  2. Thời gian đóng rắn hợp lý.
  3. Độ mịn, hình dạng và dải hạt tối ưu nên hồ xi măng có tính dẻo cao, tỷ lệ nước thấp, khả năng duy trì sụt tốt.
  4. Nhiệt thủy hóa và hàm lượng kiềm thấp, thích hợp cho các công trình khắt khe về kỹ thuật hoặc bê tông khối lớn.
  5. Đa dạng về chủng loại, phương thức bao gói và loại hình vận chuyển.
  6. Khâu xuất hàng: Chuyên nghiệp, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo an toàn và chính xác cao.
  7. Có chính sách bán hàng linh động và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo

Khách hàng có nhu cầu tư vấn/tìm hiểu về cách thức sử dụng xi măng – đặc tính của xi măng hoặc có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại gì về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Vicem Tam Điệp xin mời liên hệ đến Công ty thông qua bộ phận Dịch vụ kỹ thuật. Công ty sẽ kịp thời cử các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu về xi măng, bê tông trao đổi tư vấn qua điện thoại hoặc đến tận nơi xem xét góp ý và giải quyết thỏa đáng.

Câu 6:

Hỏi: Chỉ tiêu chất lượng của xi măng Poóclăng và chỉ tiêu được quan tâm nhất ?

Trả lời:

* Có 02 chỉ tiêu được quan tâm nhất là:

– Cường độ chịu nén của hồ xi măng.

– Thời gian đông kết của hồ xi măng.

Câu 7:

Hỏi: Sự khác nhau giữa xi măng PCB30, PCB40 ?

Trả lời:

Xi măng PCB 30, PCB 40 đều là xi măng Poóc lăng hỗn hợp về cơ bản chúng giống nhau, tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất giữa hai loại xi măng này là giới hạn cường độ chịu nén sau 3 ngày tuổi và 28 ngày tuổi theo TCVN 6260 : 2020.

Các chỉ tiêu chất lượng xi măng PCB30 và PCB40

Câu 8:

Hỏi: Sự khác nhau giữa xi măng PC40 và PCB40 ?

Trả lời:

  1. Tên gọi:

– Xi măng PC40: Là xi măng Portland (Portland Cement), có tên gọi khác là OPC (Ordinary Portland Cement).

– Xi măng PCB40: Là xi măng Portland hỗn hợp (Portland Cement Blended).

  1. Thành phần:Sự khác nhau căn bản về thành phần giữa hai loại xi măng nói trên là xi măng PCB40 có một lượng khá cao phụ gia hoạt tính thủy lực như puzzoland, đá vôi, xỉ, tro bay… ngoài 2 thành phần là clinker và thạch cao. Sự kết hợp này làm tăng một số tính chất của PCB40 như tăng dẻo và tính chịu nước cao hơn.
  2. Chất lượng:

– Sự giống nhau: Cường độ kháng nén của “Đá xi măng” sau 28 ngày tuổi của 2 loại xi măng này đều như nhau ( ≥ 40 MPa).

– Sự khác nhau:

  + Cường độ chịu nén sau 3 ngày:

                                     PC40: ≥ 21 (TCVN 2682:2020);

                                     PCB 40 ≥ 18 (TCVN 6260:2020)

  + Thời gian kết thúc đông kết (phút):

                                      PC40: ≥ 45 &  ≤ 375

                                      PCB40: ≥ 45 & ≤ 420

  1. Công năng: PC40 và PCB40 đều được sử dụng cho tất cả các hạng mục, tất cả công trình xây dựng. Tuy nhiên trong một số công trình có yêu cầu đặc biệt về chất lượng (công trình chịu tải trọng lớn) thì xi măng PC40 có thể được ưu tiên sử dụng. Hiện nay trên thị trường, các công ty xi măng chủ yếu cung cấp cho thị trường loại PCB40 và chỉ sản xuất PC40 khi có yêu cầu đặt hàng hoặc xuất khẩu.
  2. Giá cả: Giá xi măng phụ thuộc nhiều vào giá clinker, lượng clinker để sản xuất PC lớn hơn lượng clinker sản xuất PCB, do đó giá xi măng PC luôn cao hơn xi măng PCB cùng loại.

Câu 9:

Hỏi: Xi măng bền sunphát type II của Vicem Tam Điệp được sử dụng khi nào ?

Trả lời:

– Tùy theo nồng độ của các yếu tố ăn mòn sunphat, magiê… trong môi trường mà đá xi măng và bê tông tiếp xúc, người ta quyết định chọn xi măng bền sunphat loại vừa hay loại cao.

– Thông thường nồng độ (SO4)2- của môi trường ≤ 400mg/lít, hàm lượng Mg2+ ≤ 100 mg/lít thì nên chọn xi măng bền sunphat loại vừa (tức loại có C3A ≤ 8%).

– Nếu nồng độ (SO4)2- và Mg2+ vượt các mức nói trên thì người ta thường chọn loại bền sunphat cao (tức là C3A ≤ 5%).

Câu 10:

Hỏi: Mác xi măng là gì ? ký hiệu PCB30 trên bao xi măng là gì ?

Trả lời:

Mác xi măng là cường độ chịu nén của xi măng. Khi đem vữa xi măng + cát + nước trộn theo tỷ lệ tiêu chuẩn. Tiến hành đúc một mẫu tiêu chuẩn có kích thước 40x40x160 (mm). Dưỡng ẩm trong vòng 28 ngày, đem thử được cường độ trong thiết bị đo Cường độ chịu nén, cường độ của mẫu đo được chính là mác xi măng.

Ví dụ: Ký hiệu PCB30 có nghĩa là xi măng Poóclăng hỗn hợp (Portland Cement Blending), có mác là 30 MPa (tương đương với 300 kG/cm2).

Xi măng PCB là xi măng Poóclăng hỗn hợp được sản xuất từ việc nghiền hỗn hợp clinker, thạch cao và phụ gia. Chất lượng xi măng Poóclăng hỗn hợp được xác định theo tiêu chuẩn TCVN 6260: 2020.

Câu 11:

Hỏi: Xi măng giữ vai trò thế nào trong bê tông ?

Trả lời:

Hồ xi măng làm vai trò liên kết các thành phần (đá, sỏi, cát) rời rạc lại, và khi đóng rắn, làm cho tất cả thành một khối cứng như đá.

Vì quan trọng như vậy, ta phải lựa chọn mác xi măng cho phù hợp với công trình xây dựng.

Không nên dùng xi măng mác thấp chế tạo bê tông mác cao: Sẽ làm hư hỏng công trình. Không nên dùng xi măng mác cao thay xi măng mác thấp: Vì gây lãng phí và/hoặc không đủ lượng xi măng tối thiểu theo quy định.

Câu 12:

Hỏi: Xi măng màu xanh xám có phải là xi măng tốt nhất không ?

Trả lời:

Muốn đánh giá chất lượng xi măng, cần phải làm thí nghiệm chuyên ngành. Trong thực tế, các nhà sản xuất uy tín luôn luôn giữ gìn nghiêm ngặt không những chất lượng sản phẩm mà cả màu sắc đặc trưng, mà các sản phẩm khác không có. Xi măng Tam Điệp là một điển hình.

Các chủng loại xi măng của Vicem Tam Điệp đã được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm cả về độ vững chắc và về màu xám xanh đặc trưng, bắt mắt. Thị hiếu này của khách hàng đã được Công ty Xi măng Tam Điệp đáp ứng. Có thể coi đây là bí quyết của nhãn hiệu Xi măng Tam Điệp.

Câu 13:

Hỏi: Có phải sử dụng xi măng nóng tốt hơn xi măng nguội không ?

Trả lời: .

Xi măng là xi măng mới được sản xuất, tuy nhiên về mặt kỹ thuật khi sử dụng xi măng nóng bất lợi hơn xi măng nguội vì:

– Khi trộn nước vào hỗn hợp vữa có xi măng nóng thường xảy ra hiện tượng khan nước và nếu tăng thêm nước thì hỗn hợp sẽ dư nước. Lượng nước dư sau phản ứng thủy hóa sẽ giữ lại bên trong cấu trúc. Sau khi tháo cốt pha, lượng nước dư sẽ bay hơi tạo nên các lỗ rỗng làm giảm cường độ nén của vữa/bê tông.

Ngoài ra khi đổ bê tông khối lớn – sử dụng xi măng nóng, khối bê tông thủy hóa mạnh hơn – làm gradient nhiệt độ tăng cao, dẫn tới nứt vỡ cấu trúc trong khối bê tông.

– Thông thường xi măng nóng là xi măng mới sản xuất nên lượng CaO và MgO tự do (chưa phản ứng với hơi nước trong môi trường) sẽ tác dụng với nước tạo ra sản phẩm trương nở thể tích, tạo ứng suất nội trong kết cấu bê tông làm cho bề mặt công trình có thể bị rạn, nứt chân chim.

– Sử dụng xi măng nguội tốt hơn, tuy nhiên xi măng phải còn trong thời hạn sử dụng và được bảo quản đúng cách.

Câu 14:

Hỏi: Xin cho biết cách thức bảo quản xi măng ?

Trả lời: .

Xi măng rất háo nước, cần được bảo quản đúng qui định, cụ thể:

Phương tiện vận chuyển: Sàn phải khô, có bạt che mưa.

Giữ ở nơi khô ráo, cách mặt đất và cách tường hơn 20 cm và không được xếp quá 10 bao.

Lô nào xuất trước thì sử dụng trước

Câu 15:

Hỏi: Xin cho hỏi cách xác định thời hạn sử dụng của xi măng ?

Trả lời:

Xi măng bao Tam Điệp sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 6260:2020 là loại xi măng hỗn hợp dùng trong xây dựng (đổ bê tông, xây trát, láng nền….) Mỗi lô xuất cho khách hàng đều có ghi ngày sản xuất và các thông tin về sản phẩm theo quy định của Nhà nước về nhãn hiệu hàng hóa. Thời gian bảo hành sản phẩm theo TCVN 6260 : 2020 là 60 ngày kể từ ngày sản xuất.

Trên mỗi bao xi măng đều có dòng chữ in phun  ký hiệu ngày sản xuất, tiếp theo là các ký nhận biết nơi xuất hàng, địa bàn phân phối và mã số giao hàng. Khi xây dựng Quý khách nên mua và sử dụng sớm xi măng để tiết kiệm chi phí bảo quản, nếu phải lưu kho đề nghị khách hàng bảo quản xi măng ở nơi có tường bao và mái che chắc chắn có bạt che phủ tránh bị ẩm. Xi măng không được xếp cao quá 10 bao, phải cách mặt đất và cách tường ít nhất 20 cm. Việc bảo quản tốt sẽ giữ cho Xi măng có chất lượng tốt và kéo dài thời gian sử dụng.

Trong thời hạn bảo hành, vẫn có những trường hợp do khách hàng bảo quản không tốt làm rút ngắn thời gian sử dụng của sản phẩm xi măng.

Câu 16:

Hỏi: Lô xi măng nói lên điều gì ? đối với Vicem Tam Điệp, lô được quy định như thế nào ? nhận biết số lô ở đâu ?

Trả lời:

Lô được thiết lập, nhằm mục đích định ra một lượng nhất định, nhằm kiểm soát các chỉ tiêu của hàng hoá (lô có thể là số lượng, khối lượng, thể tích..). Cỡ của lô có thể nhiều hay ít (tùy thuộc quy mô của sản xuất, năng lực tiêu thụ), tần suất lấy mẫu có thể dày hay thưa, phương pháp lẫy mẫu có thể đơn giản hay hiện đại. Nhưng phải tuân thủ quy định của Nhà nước về đo lường và hàng hoá đóng gói sẵn và phải đảm bảo hướng tới nguyên tắc: Toàn bộ sản phẩm trong lô phải được kiểm soát, chất lượng trong lô phải đồng nhất:

Lô xi măng được thiết lập theo khối lượng và đảm bảo nguyên tắc trên: Có nghĩa là chất lượng trong cùng một lô xi măng là đồng nhất.

Lô xi măng của Vicem Tam Điệp được thiết lập theo khối lượng tương ứng đối với năng lực sản xuất của một dây chuyền trong một ngày, hoặc của năng lực tiêu thụ trong một ngày ứng với từng chủng loại và được quy định như sau:

– Cỡ của lô:

+ Bao: PCB30, PCB40 = 1.000 tấn

+ Rời: PCB40 = 3.000 tấn ; PCB30 = 1.000 tấn; PC40 = 1.000 tấn

– Nhận biết số lô:

+ Đối với xi măng bao: Được in ở mặt trước vỏ bao.

+ Đối với xi măng rời: Được viết hoặc in trên hóa đơn xuất hàng.

Câu 17:

Hỏi: Xi măng rời có phải là nguyên liệu được nghiền ra từ đá vôi không ?

Trả lời:

Xi măng rời không phải là nguyên liệu được nghiền từ đá vôi mà xi măng rời là khái niệm khi vận chuyển xi măng dạng công nghiệp – được xuất trực tiếp từ silô chứa xi măng cho xe téc (delivery in bulk) và vận chuyển thẳng đến công trình hoặc kho chứa. Không đóng thành bao.

Câu 18:

Hỏi: Thạch cao và phụ gia có cấu tạo hóa học và công dụng gì trong sản xuất xi măng ?

Trả lời:

Thạch cao có công thức hóa học: CaSO4. 2H2O.

Công dụng của thạch cao: Điều chỉnh thời gian ninh kết và đóng rắn của xi măng, để có đủ thời gian thi công (tô, xây, đổ bê tông…).

Phụ gia tùy từng loại sẽ có thành phần hóa học khác nhau.

Công dụng: Tăng tính bền nước; kết hợp với hàm lượng vôi tự do (thành phần gây hại) có trong clinker và vôi tự do (sinh ra trong quá trình hydrate hóa) để tạo thành một hợp chất có tính kết dính (có lợi).

Câu 19:

Hỏi: Sử dụng cùng một chủng loại xi măng – với cùng một cấp phối, chỉ khác nhau về thời tiết khi thi công; nhưng bê tông lại bị nứt. Nguyên nhân tại sao ?

Trả lời:

Nguyên nhân bê tông bị nứt là do: Sự co ngót và trương nở của bê tông khi thay đổi độ ẩm của môi trường.

Các sản phẩm làm từ xi măng có sự co dãn hay trương nở thể tích khác nhau phụ thuộc vào điều kiện môi trường.

Khi độ ẩm của không khí nhỏ hơn độ ẩm của bê tông, nước sẽ bốc hơi và sản phẩm bắt đầu sấy khô. Sự bay hơi nước của sản phẩm xảy ra cho đến khi cân bằng hàm ẩm môi trường và sản phẩm được thiết lập.

Khi ở nhiệt độ cao, nước trong bê tông bốc hơi. Nhiệt độ càng cao bốc hơi càng mạnh. Quá trình mất nước của bê tông làm xuất hiện áp lực lớn; làm co ngót thể tích – gây nên vết nứt lớn hoặc vì thế làm giảm cường độ và khả năng chống thấm. Hiện tượng này xảy ra càng mạnh, nếu độ ẩm của môi trường càng nhỏ và khi đó sự co ngót – nứt rạn của bê tông càng lớn.

Khi độ ẩm của không khí lớn hơn độ ẩm của bê tông, cũng xảy ra hiện tượng  trương nở và kèm theo các vết rạn.

Câu 20:

Hỏi: Hiện tượng tường mới xây và bê tông mới đổ bị ngấm nước do gặp mưa nhiều ngày xuất hiện những vết loang màu trắng, đôi khi đọng lại những cục vôi rắn hoặc xốp có liên quan đến chất lượng xi măng không (có phải do xi măng kém chất lượng) và có ảnh hưởng đến chất lượng công trình không ?

Trả lời:

Tường mới xây hoặc bê tông mới thi công bị ngấm nước xuất hiện những vết loang màu trắng hoặc đọng lại những cục vôi là hiện tượng bình thường và hay gặp vào mùa mưa với những công trình điều kiện che chắn không tốt. Bản chất của hiện tượng là do khoáng C3S khi thủy hóa với nước luôn tạo ra một lượng lớn Ca(OH)2 chính là ‘vôi’ theo phản ứng sau:

2C3S + 6H2O  à C3S2H3 + 3Ca(OH)2

Trong trường hợp bình thường, lượng ‘vôi’ này sẽ khô lại và nằm rải rác bên trong. Tuy nhiên, khi bị tiếp xúc với nước nhiều và trong thời gian dài, lượng ‘vôi’ này sẽ bị hòa tan trong nước và chảy len lỏi ra bề mặt tường và cấu kiện bê tông rồi đọng lại thành vệt loang màu trắng; nếu lượng vôi nhiều và tùy thuộc vào điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm chúng sẽ đọng lại thành cục rắn hoặc xốp.

Nếu xi măng đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn thì hiện tượng nêu trên hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình mặc dù có thể ảnh hưởng đến cảm quản của người sử dụng và mỹ quan của công trình. Mặt khác, nếu công trình bị ngấm nước trong thời gian dài sẽ dẫn đến cường độ của bê tông và vữa phát triển chậm hơn so với trường hợp nắng nóng, khô ráo.

Câu 21:

Hỏi: Hiện tượng xi măng bị vón cục là do nguyên nhân gì ? có ảnh hưởng đến chất lượng xi măng không ?

Trả lời:

Dây chuyền xuất sản phẩm của Xi măng Vicem Tam Điệp được trang bị máy móc hiện đại, tự động hóa và khép kín do hãng FLSmidth (Đan Mạch) thiết kế và cung cấp đồng bộ. Toàn bộ xi măng trước khi vào máy đóng bao và các vòi xuất rời đều được đi qua hệ thống sàng có kích thước 5mm x 5mm. Vì vậy, mọi vật liệu có kích thước lớn hơn kích thước trên đều được loại bỏ ra ngoài.

Do xi măng là loại vật liệu có độ hút nước rất cao, chỉ cần tiếp xúc với môi trường ẩm, không khí ẩm sẽ bị hiện tượng đóng rắn giả dẫn đến vón cục, khi hút đủ nước sẽ trở nên rắn chắc. Hầu hết hiện nay các nhà máy sản xuất xi măng đều sử dụng loại bao xi măng khâu 2 đầu và có lỗ xăm thoát khí trên thân bao. Khi bao xi măng tiếp xúc với nguồn nước/nguồn ẩm (khi trời mưa mà phương tiện che chắn không kịp thời, che chắn không đảm bảo; thùng của phương tiện bị ẩm, đọng nước do trời mưa hoặc rửa xe trước khi vào lấy hàng), nước được hút vào bao qua các đường chỉ khâu 2 đầu bao và qua các lỗ xăm thoát khí trên bao.

Câu 22:

Hỏi:  Các lưu ý trong quá trình sử dụng xi măng ?

Trả lời:

  1. a) Tỷ lệ nước sử dụng khi trộn bê tông hoặc vữa.

Tỉ lệ nước trong vữa bê tông hoặc vữa xây có ý nghĩa rất quan trọng:

– Nếu nước ít, hồ vữa khô khó thi công.

– Nếu nước nhiều, hồ vữa nhão, dễ thi công nhưng mác bê tông phát triển chậm và cường độ yếu do lượng nước thoát ra bề mặt tạo độ rỗng trong bê tông.

Về nguyên tắc không có công thức nào cố định về tỉ lệ nước trong bê tông hoặc trong hồ vữa mà nên thí nghiệm tại chỗ vì còn tùy thuộc vào các yếu tố khác như: Lượng xi măng, độ ẩm của cát, độ hút nước của cốt liệu…

  1. b) Nguồn nước

Không nên dùng nước có váng dẫu, mỡ, nước đầm hồ cống rãnh, nước có độ pH nhỏ hơn 4 hoặc lớn hơn 12,5; không dùng nước có tạp chất lớn hơn 2g/lít. Nên dùng nước sinh hoạt bình thường, có thể uống được để sử dụng.

  1. c) Lựa chọn cát

Cốt liệu nhỏ phải được loại bỏ hết tạp chất như đất, than, quặng sắt, thạch cao, mica… Các loại sét, phù sa, bụi không vượt quá 3%. Không nên sử dụng cát nhiễm mặn cho bê tông.

  1. d) Lựa chọn đá

Các loại đá không nên dùng làm cốt liệu:

– Loại đá mềm, tràng thạch, đá phiến diệp thạch (schist), phong hóa (bazan).

– Loại đá có hình dạng lép, mỏng, hoặc dài nhọn (vì sức chịu yếu).

– Đá có tạp chất vượt quá 2%.

Nên dùng:

– Đá dăm hoặc sỏi có hình dạng khối, nhiều kích cỡ tương đồng nhau, như vậy khi đổ chung lại, khoảng trống bên ngoài các cục đá là nhỏ nhất; điều này có nghĩa là lượng hồ xi măng sẽ ít đi mà cường độ khối bê tông sẽ tăng lên.

– Cỡ hạt của đá dăm, sỏi từ 5-70 mm và trong kết cấu khối lớn có thể đến 150 mm. Trong các công trình quan trọng, người ta còn yêu cầu phải rửa sạch và tẩy bụi bằng cách xịt nước vào đá dăm, sỏi.

Phần II: BÊ TÔNG

Câu 1:

Hỏi:  Bê tông là gì ?

Trả lời:

Bê tông (gốc từ béton trong tiếng Pháp) là một loại đá nhân tạo, được hình thành bởi việc trộn các thành phần: Cốt liệu thô, cốt liệu mịn, chất kết dính… theo một tỷ lệ nhất định. Trong bê tông, chất kết dính (xi măng + nước, nhựa đường, phụ gia…) làm vai trò liên kết các cốt liệu thô (đá, sỏi… đôi khi sử dụng vật liệu tổng hợp trong bê tông nhẹ) và cốt liệu mịn (thường là cát, đá mạt, đá xay…) và khi đóng rắn, làm cho tất cả thành một khối cứng như đá.

Từ định nghĩa trên, ta nhận thấy tùy thuộc vào bản chất của chất kết dính được sử dụng, ta có các loại bê tông khác nhau:

– Nếu chất kết dính là xi măng: Ta có bê tông xi măng;

– Nếu chất kết dính là vôi/thạch cao: Ta có bê tông Silicat/thạch cao;

– Nếu chất kết dính là chất hữu cơ (bitum/gudrông): Ta có bê tông atphan;

– Nếu chất kết dính là chất dẻo (Polyme): Ta có bê tông polymer, …

Tuy nhiên, trong tài liệu này ta chỉ nghiên cứu/trao đổi về bê tông xi măng

  1. Phân loại theo khối lượng thể tích (dung trọng)

– Bê tông đặc biệt nặng: mv > 2500kg/m3, chế tạo từ cốt liệu nặng, dùng cho cấu kiện đặc biệt.

– Bê tông nặng: mv từ 1800 – 2500kg/m3, chế tạo từ cốt liệu thường, dùng cho cấu kiện chịu lực.

– Bê tông nhẹ: mv từ 500 – 1800kg/m3, chế tạo từ cốt liệu nhẹ, dùng cho cấu kiện bao che.

– Bê tông đặc biệt nhẹ: mv < 500 kg/m3, chế tạo từ cốt liệu rỗng, dùng cho cấu kiện chịu lực.

  1. Phân loại chất kết dính: Như trên
  2. Phân loại theo phạm vi sử dụng: Bê tông công trình, bê tông thủy công, bê tông bao che/cách nhiệt, bê tông làm đường, bê tông ổn định hóa học…

Câu 2:

Hỏi:  Cường độ mác bê tông là gì ? ứng dụng vào các loại công trình ra sao ?

Trả lời:

Là khả năng chịu nén của mẫu bê tông, mẫu để đo cường độ có kích thước 150mm x 150mm x 150mm, được thực hiện theo điều kiện tiêu chuẩn trong thời gian 28 ngày.

Trong kết cấu xây dựng, bê tông chịu nhiều tác động khác nhau: Chịu nén, uốn, kéo, trượt, trong đó chịu nén là ưu thế lớn nhất của bê tông. Do đó, người ta thường lấy cường độ chịu nén là chỉ tiêu đặc trưng để đánh giá chất lượng bê tông, gọi là mác bê tông.

Mác bê tông được phân loại từ 100, 150, 200, 250, 300, 400, 500 và 600.

Mỗi công trình xây dựng đều phải được tính toán để xác định chọn loại mác bê tông cho phù hợp. Thí dụ:

Móng nhà phổ thông cần mác bê tông 200 – 250.

Nhà cao tầng: 300 – 350.

Silo, bể chứa lớn: 350 – 400.

Mố trụ cầu: 350 trở lên…

Câu 3:

Hỏi:  Xin cho biết nguyên tắc chọn cấp phối trong bê tông

Trả lời:

Một cấp phối bê tông hợp lý cần đảm bảo thỏa mãn những chỉ tiêu qui định về tính chất của hỗn hợp bê tông với chi phí về xi măng/vật liệu và quá trình sản xuất là tiết kiệm nhất. Cấp phối bê tông được biểu thị bằng khối lượng của các vật liệu hoặc thành phần cần có trong 1m3 bê tông hoặc dưới dạng tỉ lệ về khối lượng các vật liệu thành phần so với khối lượng xi măng.

* Yêu cầu khi thiết kế cấp phối:

– Mác bê tông cũng như mác cần đạt được khi giao sản phẩm;

– Điều kiện và thời gian rắn chắc của sản phẩm;

– Yêu cầu về tính công tác của hỗn hợp bê tông.

– Cỡ hạt lớn nhất của cốt liệu Dmax.

* Bất kì phương pháp nào khi chọn cấp bê tông đều xác định hoặc tính toán lần lượt như sau:

– Cấp phối hợp lý cho từng loại cốt liệu.

–  Lượng nước cho 1 m3 bê tông để đạt được tính công tác cần thiết.

–  Lượng xi măng cho 1m3 bê tông đảm bảo mác qui định ở tuổi qui định.

–  Lượng cốt liệu lớn và bé hoặc từng cấp cốt liệu cho 1m3 bê tông.

Trong sản xuất, cấp phối có thể thay đổi (so với cấp phối chuẩn – ở trạng thái độ ẩm của cốt liệu bằng 0%) phụ thuộc độ ẩm thực tế của từng loại vật liệu. Trong cấp phối cần đặc biệt chú ý, chọn cho được một cấp phối hạt cốt liệu hợp lý và lượng nước hợp lý nhất – vì hai nhân tố này quyết định cơ bản đến kinh tế và kỹ thuật của cấp phối bê tông.

Câu 4:

Hỏi:  Tại sao phải sử dụng cốt thép trong bê tông ?

Trả lời:

Đặc tính của xi măng là sau khi trộn nó với cát, đá dăm và nước thì nó sẽ ngưng kết, cứng như đá và chịu được sức nén khủng khiếp nhưng khả năng chịu lực kéo lại thấp. Một mẩu xi măng to bằng đầu ngón tay có thể chịu được lực nén từ 30 – 600 kgl, thế nhưng chỉ chịu được lực kéo 5 – 30 kgl, hai cái chênh nhau gần 15 lần. Cốt thép chịu lực nén và lực kéo đều tốt, cường độ chịu kéo của nó lớn hơn bê tông 180 lần. Kết hợp hai vật liệu lại với nhau, năng lực chịu tải của chúng ngay lập tức tăng lên 20 lần.

Đối với một công trình xây dựng thì buộc phải có vật liệu chịu đựng được mưa gió, thời tiết đồng thời sức nén của nó phải đạt yêu cầu. Đó là lý do vì sao bê tông luôn phải được thiết kế cùng với cốt thép.

Câu 5:

Hỏi:  Định mức cấp phối vật liệu (thông dụng) cho 1 m3 bê tông ?

Trả lời:

Bê tông thông thường

(theo định mức quy định tại Thông tư 12/2021/TT – BXD)

Cấp phối sử dụng xi măng PCB30:

  1. Độ sụt: 6-8 cm

2. Độ sụt: 10 – 12 cm

Cấp phối sử dụng xi măng PC40 và PCB40:

1. Độ sụt: 6 – 8 cm

2. Độ sụt: 10 – 12 cm

Câu 6:

Hỏi:  Nguyên tắc thi công bê tông và các yêu cầu khác liên quan đến thi công bê tông ?

Trả lời:

  1. Yêu cầu đối với các nguyên liệu

Nên dùng loại cát có cỡ hạt to và vừa (có mô đun độ lớn từ 2 đến 3,3) sẽ cho bê tông bền chắc hơn loại cát có cỡ hạt nhỏ.

Đá hoặc sỏi cốt liệu: Phải có mác lớn hơn mác bê tông định chế tạo ít nhất 1,5 lần. Kích thước viên đá lớn nhất phải nhỏ hơn 1/3 chiều dày nhỏ nhất của cấu kiện bê tông.

Nước dùng trộn và bảo dưỡng bê tông: Sử dụng nước ngọt, sạch. Không dùng nước bẩn, nước lợ, nhiễm mặn, chua phèn…

  1. Các nguyên tắc chế tạo vữa

Cân, đong thật đúng tỷ lệ cấp phối của mác bê tông đã chọn. Các nguyên liệu phải sạch.

Trộn nhanh các thành phần tạo vữa sao cho chúng thật đồng nhất.

Chỉ nên cho nước trộn vừa phải để vữa có đủ độ linh động khi thi công. Cho nhiều nước bê tông sẽ kém đặc chắc. Cho ít nước vữa sẽ khô khó đầm, lèn.

  1. Trộn vữa bê tông bằng máy

Vữa bê tông nên được trộn bằng máy vì năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm được xi măng và sức lao động. Thông thường sau khi đổ toàn bộ vật liệu vào cối trộn, thùng trộn quay 20 vòng là được.

  1. Trộn vữa bê tông bằng phương pháp thủ công

Trước tiên trộn khô cát với xi măng cho đến khi đều màu. Rải đá hoặc cốt liệu thành một lớp mỏng 10 ÷ 15 cm. Xúc hỗn hợp cát – xi măng rải đều lên trên, tưới một phần nước rồi dùng xẻng và cào trộn đều. Tiếp đó vừa trộn vừa tưới hết lượng nước qui định. Phải trộn cho hỗn hợp bê tông đồng nhất. Thời gian trộn hỗn hợp bê tông thủ công từ lúc trộn ướt không nên kéo dài quá 20 phút cho một mẻ.

  1. Đổ bê tông

Lắp ghép cốp pha chắc, kín, đủ chịu được độ rung động khi đầm và không chảy mất nước xi măng của vữa bê tông.

Đánh sạch cốt thép, đặt thép đúng chiều chịu lực, chỉnh thẳng trước khi buộc.

Đổ bê tông liên tục thành khối, nếu đổ bê tông thủ công dùng đầm quả nhót xăm chọc thật nhanh và kỹ cho khối bê tông đặc chắc, không còn lỗ rỗng bên trong. Nên dùng đầm máy (đầm bàn, đầm dùi) để tăng độ đặc chắc cho khối bê tông.

  1. Bảo dưỡng ẩm cho bê tông

Bê tông sau khi được tạo hình xong cần phủ ngay bề mặt bằng các tấm vật liệu được làm ẩm như bao tải, tấm cót… hoặc bằng các vật liệu cách nước như ni lông, vải bạt… để tránh mất nước đột ngột gây nứt nẻ bê tông.

Sau 6 đến 10 giờ, phải tưới nước giữ ẩm thường xuyên, có thể ngâm nước trên bề mặt bê tông càng tốt. Thời gian bảo dưỡng khoảng 2 tuần.

  1. Thời hạn dỡ cốp pha

Trong điều kiện bảo dưỡng tốt, bê tông được đổ bằng xi măng Tam Điệp có thể dỡ cốp pha sau 3 tuần.

  1. Những lưu ý khi sử dụng xi măng

Không nên tiếp xúc trực tiếp với xi măng. Khi trộn vữa phải đeo khẩu trang, găng tay, đi ủng cao su.

Khi bị xi măng bắn vào mắt phải rửa ngay bằng nước sạch, sau đó nhỏ thuốc tra mắt. Trường hợp bị nặng phải đưa đến cơ sở y tế để điều trị.

Câu 7:

Hỏi:  Xin cho biết biện pháp bảo dưỡng tự nhiên của bê tông ?

Trả lời:

– Yêu cầu chung: Các cấu kiện bê tông, sau khi đổ xong từ 2-3 giờ bắt buộc phải được giữ ẩm liên tục, bằng cách phủ bao tải ẩm và được che râm mát.

– Tùy theo điều kiện thời tiết cụ thể mà người ta áp dụng phương pháp bảo dưỡng bê tông khác nhau. Quá trình bảo dưỡng được phân chia tương đối ra 2 giai đoạn: Giai đoạn bảo dưỡng ban đầu và giai đoạn bảo dưỡng cơ bản tiếp theo. Về cơ bản, có thể chia thành 2 phương pháp bảo dưỡng bê tông.

– Phương pháp bảo dưỡng ẩm: là phương pháp sử dụng nước hoặc thông qua vật liệu giữ nước để làm ẩm bề mặt bay hơi của bê tông.

– Phương pháp bảo dưỡng khô: là phương pháp không sử dụng nước trong quá trình bảo dưỡng. Trong phương pháp này bề mặt bay hơi của bê tông được phủ bằng vật liệu cách ẩm như vải bạt, màng poliêtilen hoặc phun chất tạo màng (ví dụ Antisol E, Antisol S của Sika).

Câu 8:

Hỏi: Tại sao khi trộn bê tông bằng nước nhiễm mặn, bê tông bị trương nở?

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dãn nở của bê tông liên quan đến bản chất xi măng gốc, các cốt liệu và phụ gia sử dụng. Trong thành phần xi măng thường (không phải là xi măng bền sunfate) có chứa khoáng C3A (Aluminat canxi). Đây là một khoáng phản ứng rất nhanh và tạo ra cường độ ban đầu cho xi măng. Tuy nhiên, khi mẫu xi măng (hoặc bê tông) được ngâm trong môi trường nước mặn (có chứa các thành phần muối sunfate), kết hợp với sự có mặt của Ca(OH)2 (một sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình thủy hóa xi măng), sản phẩm thuỷ hóa của C3A sẽ sinh ra entringit tái kết tinh gây trương nở thể tích đồng thời làm suy giảm cường độ của xi măng (bê tông).

Câu 9:

Hỏi: Khi đổ cột bê tông, sau một ngày rưỡi cho tháo cốp pha để thi công tiếp thì thấy bê tông đông kết không đều ?

Trả lời:

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình đóng rắn của bê tông:

– Do bê tông chưa được thiết kế đúng cấp phối hoặc sử dụng cốt liệu chưa đúng tiêu chuẩn.

– Do sử dụng sai loại, lượng phụ gia siêu dẻo.

– Do đầm không đúng cách dẫn đến bê tông phân tầng.

  • Do dỡ cốp pha chưa đủ thời gian quy định.

Câu 10:

Hỏi: Tại sao bê tông sau khi đổ có hiện tượng chậm đóng rắn, cường độ thấp ?

Trả lời:

Hiện tượng bê tông được đổ sau 1÷2 ngày nhưng cường độ vẫn yếu, có thể chỉ tại một vài khoảng nhỏ.

 * Nguyên nhân:

 – Vị trí bê tông yếu bị lẫn quá nhiều nước.

 – Đầm không đủ hay đầm quá kỹ gây phân tầng bê tông.

 – Cát quá mịn hay vật liệu bị lẫn nhiều tạp chất.

 – Vị trí bê tông yếu bị lẫn nhiều mẻ bê tông khác nhau.

 – Bê tông bị mất nước do bảo dưỡng không tốt.

 – Có thể do dùng phụ gia hóa học quá liều.

 – Do nhiệt độ môi trường rất thấp.

 * Các phòng ngừa:

 – Lựa chọn vật liệu sạch: Cát, đá, nước không bị lẫn tạp chất.

 – Chú ý công tác trộn, đầm, đổ, hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách.

 – Cần tiếp tục che phủ và dưỡng ẩm bê tông qua 7 ngày liên tục.

 – Khi sử dụng phụ gia hóa học phải tham khảo kỹ hưỡng dẫn của nhà sản xuất phụ gia và trộn bê tông kỹ hơn.

Câu 11:

Hỏi: Tại sao có hiện tượng bê tông bị rỗ bề mặt ?

Trả lời:

Hay gặp nhất là dạng bê tông bị rỗ tổ ong, tức là những vết rỗ nhỏ ở mặt ngoài. Khi rỗ đã ăn vào cốt thép là rỗ sâu. Trường hợp rỗ thông suốt ăn từ mặt này sang mặt kia (xuyên qua dầm khoảng 20 – 30 cm) cũng ít xảy ra.

 – Nguyên nhân chung của hiện tượng trên có từ khi đổ bê tông. Trong lúc đổ, người ta đã thao tác nâng cao xô vữa cách xa bề mặt đổ làm vữa rơi với gia tốc lớn. Quá trình đó làm các cốt liệu nặng như đá, sỏi rơi xuống trước, vữa xi măng rơi xuống sau, bị tách ra không còn đều như trong cối trộn (hiện tượng phân tầng). Bê tông đổ xong, không được đầm kỹ và đúng phương pháp cũng góp phần tạo ra hiện tượng rỗ. Cũng có thể do bản bê tông đổ quá dày làm đầm bê tông không chọc vào được nên cốt liệu không được phân đều.

– Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra do lớp cốt thép ken quá dày, các hạt cốt liệu lớn như đá, sỏi không lọt xuống dưới được mà chỉ có vữa xi măng lọt xuống, tách rời thành từng tầng riêng.

– Cần lưu ý ngay từ công tác ghép ván khuôn. Khi tận dụng loại gỗ tạp, cũ xấu, nhiều khe hở, sẽ xuất hiện nhiều lỗ rỗng. Lúc đổ bê tông vào, nước xi măng nhanh chóng chảy xuống qua các khe hở làm trơ phần cốt liệu lại, cũng gây hiện tượng rỗ khi bê tông đông kết. Tùy theo mức độ mất nước nhiều hay ít mà vết rỗ nông hay sâu.

– Khi bê tông bị rỗ, nhất thiết không được dùng vữa trát hoàn thiện ngay vì lớp vữa này dễ hút ẩm, lâu ngày hình thành các giọt nước trong các lỗ rỗng, gây nguy hại cho chất bê tông. Cách khắc phục duy nhất là dùng bàn chải sắt đánh xờm lớp cũ, quét sạch, rửa nước đợi khô. Sau đó dùng vữa xi măng cao trát (pha trộn tỷ lệ xi măng/ cát = ½). Khi trát miết mạnh tay bay hoặc dùng bàn xoa vỗ mạnh cho vữa càng lọt sâu càng tốt. Trường hợp rỗ sâu, cần đục tẩy hết chỗ rỗ cho tới tận lớp bê tông tốt, đánh xờm bằng bàn chải sắt, rửa lại bằng nước. Chờ khô, lại dùng bàn chải đầu nhỏ hoặc que sắt dẹt cắm vào tận cốt thép, cạo sạch rỉ bám. Để cốt thép trơ ra không khí rất nguy hiểm vì thép dễ bị rỉ, co ngót và trương nở, gây nứt nẻ bê tông. Trường hợp này phải xử lí bằng cách dùng bê tông sỏi nhỏ trát lại.

Câu 12:

Hỏi: Tại sao bê tông bị nứt mặt sau khi đổ ?

Trả lời:

 Là hiện tượng các vết nứt nhỏ xuất hiện trên bề mặt bê tông sau khi đổ vài giờ.

 * Nguyên nhân: Do bề mặt bê tông bị khô nhanh gây co ngót (ví dụ: Trong điều kiện nhiệt độ cao và/hoặc hanh khô, hay khô ẩm luân phiên, hoặc gió mạnh). * Phòng ngừa: Hoàn thiện và bảo dưỡng bê tông đúng cách (che phủ, tưới nước,…) * Sửa chữa: Việc sửa chữa có thể không cần thiết bởi nứt do co dẻo chỉ xảy ra trên bề mặt bê tông sẽ không làm yếu bê tông đáng kể. Nếu các vết nứt này ảnh hưởng đến thẩm mỹ thì có thể áp dụng một lớp vữa phủ bề mặt.

Câu 13:

Hỏi: Hiện tượng bê tông bị phồng rộp do nguyên nhân gì và cách khắc phục ?

Trả lời:

Hiện tượng những nốt phồng rộp xuất hiện trên mặt bê tông chứa cả khí và nước.

* Nguyên nhân: Khi bề mặt bê tông tươi được miết bằng bay trong khi bọt khí và nước tách ra vẫn ở dưới bề mặt. Hiện tượng này thường xảy ra trong những sàn bê tông có độ dày hoặc trong những ngày nóng, gió khi mà dễ bị khô nhanh. * Cách phòng ngừa: Sau khi đổ, san gạt và đầm mặt, giữ bê tông lâu nhất có thể trước khi làm nhẵn bằng bay. Bảo dưỡng bê tông để ngăn chặn bốc hơi nước trong bê tông.

Nếu phồng rộp đang hình thành, tạm thời trì hoãn việc làm nhẵn mặt và áp dụng các biện pháp ngăn chặn bốc hơi nước.

 * Sửa chữa: Loại bỏ lớp bê tông yếu, mài phẳng lại.

Câu 14:

Hỏi: Tại sao có hiện tượng bê tông sau khi đóng rắn có lớp bụi trắng bề mặt ?

Trả lời:

Hiện tượng có một lớp bột mịn mày trắng trên bề mặt bê tông dễ dàng dính tay khi quệt vào.

 * Nguyên nhân:

– Hoàn thiện bề mặt quá sớm, trước khi bê tông se mặt. Hoặc hoàn thiện bê tông dưới trời mưa.

 – Bảo dưỡng không đúng, hay bề mặt bị khô quá nhanh.

 – Bản thân bê tông quá yếu, chịu mài mòn kém.

 * Cách phòng ngừa:

 – Đợi bê tông se mặt trước khi làm mặt, hoặc quét nước mặt khi thời tiết lạnh.

 – Bảo dưỡng đúng cách.

 – Bảo vệ bê tông tránh bị khô quá nhanh trong thời tiết nóng và gió.

 – Với điều kiện khắc nghiệt, nên sử dụng bê tông có cường độ cao hơn.

* Sửa chữa:

Nếu hiện tượng trắng mặt là không đáng kể, có thể sử dụng chất cứng hóa bề mặt. Mặt khác, nếu bề mặt bê tông quá yếu, cần thiết loại bỏ lớp bề mặt rồi áp dụng một lớp phủ khác.

Câu 15:

Hỏi: Tại sao bê tông xuất hiện mầu sắc khác nhau trên bề mặt (hiện tượng biến mầu) ?

Trả lời:

Hiện tượng có những mảng màu đậm nhạt khác nhau trên bề mặt bê tông.

* Nguyên nhân:

 – Điều kiện bảo dưỡng không đồng đều trên bề mặt bê tông.

 – Sử dụng các loại xi măng khác nhau để làm khô bề mặt khi hoàn thiện.

 – Cát, đá bẩn: Sau khi đầm bê tông các chất bẩn nổi lên và dồn lại tạo các vệt màu.

 * Phòng ngừa: Sử dụng một loại bê tông khi đổ, đầm và hoàn thiện và giữ cho bê tông đều ẩm. Không sử dụng xi măng làm khô bề mặt. Sử dụng vật liệu sạch.

* Sửa chữa: Nhiều trường hợp biến màu xuất phát từ tay nghề công nhân. Việc khắc phục biến màu do các vết bẩn là rất khó. Có thể xử lý bằng cách rửa với axit yếu hay phủ một lớp vữa lên bề mặt.

Câu 16:

Hỏi: Tại sao xảy ra hiện tượng bề mặt bê tông xuất hiện lớp tinh thể màu trắng trong thời gian ngắn sau hoàn thiện ?

Trả lời:

* Nguyên nhân: Trong một vài trường hợp, muối khoáng được hòa tan trong nước. Nếu nước với muối hòa tan tích tụ trên bề mặt bê tông, khi nước bay hơi sẽ đọng lại muối trên bề mặt bê tông. Tách nước nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây nở hoa.

* Cách phòng ngừa: Sử dụng nước sạch, không có muối hòa tan và cát được rửa. Tránh để tách nước nhiều.

* Sửa chữa: Sử dụng bàn chải và nước sạch để rửa. Không dùng bàn chải sắt. Có thể dùng axit clohydric loãng để rửa.

Câu 17:

Hỏi: Tại sao bê tông có hiện tượng cốt liệu (đá, sỏi) xuất hiện quá nhiều trên bề mặt bê tông ?

Trả lời:

* Nguyên nhân:

– Lèn chặt kém, phân tầng trong suốt quá trình đổ.

– Rò vữa qua ván khuôn.

– Hỗn hợp bê tông nghèo, không đủ cốt liệu mịn.

– Bê tông đổ xuống cấu kiện đã quá thời gian qui định.

– Đầm quá lâu.

– Khoảng cách rơi từ bê tông xuống cấu kiện quá cao (>1.5m).

* Phòng ngừa:

– Sử dụng cấp phối tốt hơn. Chọn độ sụt thích hợp.

– Cẩn thận trong quá trình đổ để tránh phân tầng. Lèn chặt bê tông đúng cách. Ván khuôn kín nước tốt.

– Không thêm nước vào bê tông cho dễ thi công.

 Câu 18:

Hỏi: Tại sao xảy ra hiện tượng bê tông bị thấm ?

Trả lời:

* Nguyên nhân:

– Sử dụng cát mịn, có tạp chất cao.

– Sử dụng đá có nhiều tạp chất, không đúng yêu cầu kỹ thuật.

– Sử dụng cấp phối mác thấp, không hợp lý.

– Lớp bê tông bảo vệ không hợp lý.

– Trộn nhiều nước và trộn không đều, thêm nước trộn nhiều lần khi thi công.

– Thi công không đúng yêu cầu kỹ thuật (đầm rung nhiều bê tông bị phân tầng…)

– Không dưỡng hộ hoặc bảo dưỡng không tốt.

* Cách phòng ngừa:

– Sử dụng cát mịn, hạt to, cát đúng yêu cầu kỹ thuật.

– Sử dụng đá sạch, đúng yêu cầu kỹ thuật.

– Sử dụng cấp phối mác đúng, hợp lý

– Lớp bảo vệ bê tông thích hợp (>2.5cm).

– Trộn đều với lượng nước hợp lý và không thêm nước trộn nhiều lần (có thể sử dụng phụ gia loại siêu dẻo để giảm lượng nước trộn N/X < 0,45).

– Thi công đúng yêu cầu kỹ thuật (cẩn thận công tác đầm rung).

– Bảo dưỡng bê tông liên tục ít nhất 07 ngày (bão dưỡng càng lâu càng tốt).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Công nghệ sản xuất chất kết dính – Bùi Văn Chén.

– Hỏi đáp về xi măng, bê tông – Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn.

– Công nghệ và thiết bị sản xuất xi măng – Tạ Ngọc Dũng.

– Chất kết dính vô cơ – Vũ Đình Đấu.

– Định mức xây dựng (Thông tư ban hành định mức xây dựng số 12/2021/TT-BXD).

– Tuyển tập tiêu chuẩn quốc gia về Vật liệu xây dựng.

                                                                             PHÒNG KỸ THUẬT

Xi măng bao PCB 30 đa dụng

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 40 đa dụng

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bền Sunfat (type II-ASTM-C150/C150M-15)

Liên hệ đặt hàng

Clinker Cpc 50

Liên hệ đặt hàng

Xi măng xây trát cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng PC50

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 40 cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 30 cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng PC 40

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao Sling xuất khẩu (Portland type I-ASTM C150)

Liên hệ đặt hàng

Xi măng rời PCB 40

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bền Sunfat (type I-C150/C150M-15)

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 30 cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 40 cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng rời PCB 40

Liên hệ đặt hàng

Xi măng PC50

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bền Sunfat (type II-ASTM-C150/C150M-15)

Liên hệ đặt hàng

Xi măng PC 40

Liên hệ đặt hàng

Clinker Cpc 50

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao Sling xuất khẩu (Portland type I-ASTM C150)

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 40 đa dụng

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bền Sunfat (type I-C150/C150M-15)

Liên hệ đặt hàng

Xi măng xây trát cao cấp

Liên hệ đặt hàng

Xi măng bao PCB 30 đa dụng

Liên hệ đặt hàng

Tin tức khác